Xuất khẩu đồ gỗ và bài toán nguyên liệu

Xuất khẩu đồ gỗ và bài toán nguyên liệu

Đứng thứ 8 toàn cầu về xuất khẩu (XK) đồ nội thất, với tốc độ tăng trưởng thuộc tốp đầu thế giới. Nhưng việc lệ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (NK) khiến các doanh nghiệp (DN) chế biến và XK đồ gỗ Việt Nam giảm sức cạnh tranh và có nguy cơ “vỡ trận”.

Số liệu từ Bộ NN&PTNT cho biết giá trị XK gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 8/2017 đạt 583 triệu USD, đưa kết quả XK gỗ và đồ gỗ 8 tháng đầu năm 2017 lên 4,84 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là ba thị trường NK gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 70,3% tổng giá trị kim ngạch.

Tăng trưởng khả quan

Trong 8 tháng đầu năm 2017, XK gỗ và đồ gỗ Việt Nam sang các thị trường chủ lực đều có sự tăng trưởng tốt. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường quan trọng nhất, với kim ngạch 1,78 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 41,8% tổng kim ngạch XK.

Sau Hoa Kỳ là ba thị trường đạt kim ngạch trên 100 triệu USD gồm Trung Quốc 627,64 triệu USD (chiếm 14,8%, tăng 17,2%), Nhật Bản 584,26 triệu USD (chiếm 13,7%, tăng 5,6%), Hàn Quốc 354,15 triệu USD (chiếm 8,3%, tăng 8,3%). Các thị trường mới nổi như Đan Mạch (tăng 56,4%), Tây Ban Nha (tăng 37,5%), Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất – UAE (tăng 32%)…

Nếu Hoa Kỳ là thị trường chủ đạo, thì EU đang là thị trường tiềm năng với dư địa khổng lồ của các DN XK gỗ và đồ gỗ Việt Nam các tháng cuối năm 2017. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) cho hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), dự kiến có hiệu lực vào năm 2018, sẽ giúp các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nội thất XK từ Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0%.

EU đứng hàng đầu thế giới về thiết bị chế biến gỗ, khi EVFTA có hiệu lực, giảm thuế NK với thiết bị sẽ tạo “cú hích” đối với sản xuất đồ gỗ. Về gỗ nguyên liệu, Việt Nam có thể NK gỗ nguyên liệu hợp chuẩn theo EVFTA từ quốc gia thứ ba và vẫn được hưởng ưu đãi từ EVFTA khi XK sang EU, phần nào giúp giải “bài toán” thiếu nguyên liệu, yên tâm về xuất xứ.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội sẽ là thách thức. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch VIFORES, đánh giá: “Nếu vượt qua được “cửa ải” của thị trường EU, đồ gỗ Việt Nam sẽ khẳng định đẳng cấp toàn cầu. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các DN phải trang bị nội lực thật tốt, tìm hiểu kỹ nội dung của “Quy tắc xuất xứ” trong EVFTA, chủ động liên kết, nâng cao chất lượng nhân lực, hướng tới sản xuất “xanh” hiện đại để tăng sức cạnh tranh”.

Trong 5 năm qua, ngành gỗ Việt Nam đang có sự phát triển toàn diện về quy mô, tốc độ, kỹ – mỹ thuật, năng lực XK. Tuy nhiên, điểm yếu về nguyên liệu vẫn đang là căn bệnh kinh niên khiến các DN XK lao đao.

Từ đầu năm tới nay, giá các loại gỗ nguyên liệu, nhất là gỗ cao su, đã tăng 30 – 40%. Dự báo, tình trạng thiếu nguyên liệu sẽ tiếp tục là nỗi “ám ảnh” của DN trong tương lai.

Nguyên liệu khan hiếm

Từ đầu năm tới nay, giá các loại gỗ nguyên liệu, nhất là gỗ cao su, đã tăng 30 – 40%. Dự báo, tình trạng thiếu nguyên liệu sẽ tiếp tục là nỗi “ám ảnh” của DN trong tương lai.

Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty Gỗ nội thất Minh Phát II, đơn vị này đã phải ứng trước tiền cho các DN cung ứng mua các cánh rừng để khai thác dần nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế và rất khó có thể ổn định nguồn nguyên liệu gỗ trong vòng 1 – 2 năm tới.

Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Kỹ nghệ gỗ Long Việt, ông Bùi Như Việt, cũng cho biết nguồn nguyên liệu khan hiếm đã đẩy giá thành lên cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, các DN nội rất khó cạnh tranh khi các DN gỗ Trung Quốc và EU tràn vào Việt Nam.

Theo khảo sát của VIFORES, khan hiếm nguyên liệu là khó khăn chung của hầu hết DN chế biến gỗ, rất nhiều công ty đang phải hoạt động cầm chừng với 40 – 50% công suất do thiếu nguyên liệu.

Tình trạng này đang khiến các DN phải khai thác ép gỗ rừng trồng 6 – 10 tuổi, hoặc phải lao đi tìm gỗ ngoại. Nhưng ngay cả việc NK gỗ cũng ngày càng khó khăn khi các nước đang tăng cường bảo vệ rừng và hạn chế XK gỗ.

Đơn cử như Trung Quốc, từ đầu năm 2017, nước này đã đóng cửa rừng, không cho phép khai thác và XK gỗ nguyên liệu khiến các thương nhân Trung Quốc tràn qua nhiều nước khác để thu mua gỗ nguyên liệu.

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách tại tổ chức Forest Trends, cho rằng: “Việc Trung Quốc tăng cường thu mua khiến nguồn gỗ cao su tại Việt Nam liên tục tăng kể từ đầu năm 2017. Trong giai đoạn 2020 – 2025, giai đoạn thấp điểm thanh lý gỗ cao su của các DN trồng cao su, nguồn cung gỗ trong nước sẽ càng khó khăn hơn”.

Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, mục tiêu XK đạt 7,5 tỷ USD cả năm 2017 nằm trong tầm tay. Song, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 10 – 15%/năm, đưa kim ngạch XK gỗ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, ngành gỗ và các DN XK đồ gỗ Việt Nam sẽ phải vượt qua nhiều thách thức, đặc biệt là việc giải “bài toán” nguyên liệu khan hiếm như hiện nay.

(Theo thoibaokinhdoanh.vn)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

MIỄN PHÍ GIAO HÀNG

HỖ TRỢ 24/7

HOÀN TIỀN

Hotline 84 2513836145